Hướng đi nào để kinh doanh hiệu quả

Hiện nay, ứng dụng các công cụ TMĐT trong hoạt động kinh doanh đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm, thương mại điện tử TMĐT (việc mua, bán, hàng hóa và dịch vụ thông qua các phương tiện điện tử, nhất là internet và các mạng viễn thông) được đánh giá là một trong những công cụ hỗ trợ đắc lực trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN).

Trong thời kỳ hội nhập, TMĐT giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh, tiết kiệm được nhiều khoản chi phí, rút ngắn khoảng cách giao thương hàng hóa… Nhưng hiện nay, việc ứng dụng TMĐT trong hoạt động kinh doanh của nhiều DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể vẫn còn nhiều hạn chế. Vì sao?

Doanh nghiệp chưa quan tâm?
Các thuật ngữ thường xuất hiện trong TMĐT như: internet, e-mail, website, e-shop… hiện đã quá quen thuộc với nhiều người.

 

TMĐT có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các DN xuất nhập khẩu bởi tầm quảng bá thông tin rất lớn. Đặc biệt, TMĐT có thể mang lại cho DN những lợi ích rất lớn như: tiết kiệm được chi phí thuê mướn nhân viên bán hàng, mặt bằng, các hoạt động quảng cáo, tiếp thị… để giảm giá bán sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Tuy nhiên, việc ứng dụng TMĐT của nhiều DN vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể trên cả nước nói chung và của các DN thuộc các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL nói riêng còn nhiều hạn chế. Theo Vụ TMĐT (Bộ Công Thương), ngoài nguyên nhân về nhận thức, vấn đề thanh toán điện tử là trở ngại lớn thứ hai của việc phát triển TMĐT. Công cụ thanh toán qua các tiện ích hiện đại như: thanh toán bằng thẻ tín dụng, thanh toán trực tuyến chỉ chiếm tỷ lệ từ 3,2-14,3%; còn lại chủ yếu là chuyển khoản qua hệ thống ngân hàng, thanh toán bằng tiền mặt và chuyển tiền qua bưu điện .

Nguyên nhân do còn nhiều rủi ro trong việc trao đổi hàng hóa, chưa có hành lang pháp lý cụ thể cho các giao dịch điện tử (chữ ký điện tử, con dấu…). Ngoài ra, hợp đồng mua bán, hình thức thanh toán quốc tế, các tranh chấp TMĐT… cũng đang thiếu cơ sở pháp lý để khách hàng (đặc biệt là các doanh nghiệp) có thể an tâm thực hiện các giao dịch mua bán trực tuyến. Những vấn đề khác như: tốc độ đường truyền; chi phí đầu tư, phát triển trang web; cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực am hiểu về công nghệ thông tin và truyền thông… còn hạn chế.

Phần lớn các DN nhỏ ở các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL còn nhiều hạn chế về kiến thức tin học, chưa có thói quen sử dụng các tiện ích của công nghệ thông tin… Hiện nay, phần lớn các DN mới chỉ dừng lại ở chỗ có một địa chỉ e-mail để giao dịch. Một số DN có khả năng tài chính đã chú trọng đến việc xây dựng một trang web nhưng thông tin còn khiêm tốn, chủ yếu là giới thiệu về hoạt động và sản phẩm hiện có của DN. Thói quen mua, bán, trao đổi hàng hóa chủ yếu vẫn thực hiện theo hình thức truyền thống.

Đánh thức tìm năng.
Khi internet ngày càng trở nên phổ biến, mức sống và thu nhập của người dân được nâng cao thì TMĐT và phương thức kinh doanh trực tuyến càng phát huy được những ưu điểm vượt trội. DN có thể dễ dàng thành lập một siêu thị ảo để quảng bá thương hiệu, bán các sản phẩm của mình và có khả năng giao tiếp với nhiều đối tượng khách hàng trong cùng thời điểm.

Những đối tượng khách hàng (nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn) không có nhiều thời gian rảnh rỗi cho công việc mua sắm truyền thống (tại các chợ, cửa hàng, siêu thị…) có thể mua được những mặt hàng cần thiết và được giao hàng nhanh chóng, miễn phí tận nhà chỉ qua vài thao tác nhắp chuột trên trang web.

Một DN có thể thiết kế một website để phục vụ cho các mục đích: điều tra thị trường, hỗ trợ bán hàng, thực hiện dịch vụ quảng cáo điện tử, tổ chức một hệ thống thông tin theo yêu cầu, chiến lược kinh doanh của mình… Thông qua hệ thống quản lý trên website, DN có thể dễ dàng thực hiện nhanh các giao dịch thương mại, thanh toán điện tử, chăm sóc khách hàng, đại lý, nhà cung cấp, đối tác… mà không phải tốn nhiều đến các khoản chi phí như: điện thoại, thư từ, fax).

Đối với các DN nhỏ, mô hình tốt nhất là website thông tin về DN, sản phẩm, dịch vụ và các hoạt động thường nhật của DN, hệ thống thông tin góp ý của khách hàng. Không nên đầu tư để xây dựng một hệ thống quá lớn khi sản phẩm và dịch vụ của các DN này còn chưa đa dạng. Nếu website có quy mô vừa nhưng chuyên nghiệp, giao diện đẹp, thông tin hình ảnh sản phẩm phong phú, được xử lý đồ họa trước khi cập nhật trên mạng vào website sẽ mang lại hiệu quả hơn một trang web quá lớn nhưng nội dung thông tin không tương xứng với tài nguyên mạng.

Với các DN có quy mô lớn, trước tiên cần xác định chiến lược phát triển kinh doanh lâu dài để chọn ra những giải pháp tối ưu nhất để đầu tư vào website. Tuy nhiên, muốn trang web hoạt động có hiệu quả cần phải có một tên miền tốt, xây dựng một trang web thể hiện tính chuyên nghiệp, tốc độ trình duyệt nhanh, chiến lược quảng bá, làm cho việc mua sắm trực tuyến thuận tiện hơn thông qua hệ thống giỏ mua hàng hợp lý…

Khi thiết lập trang web bán hàng, DN nên bổ sung thêm mục trò chơi, các mục hỏi-đáp trúng thưởng, các câu hỏi đánh giá bình chọn trên website… nhằm giúp tìm hiểu yêu cầu khách hàng và đánh giá độ hiểu biết của người dùng về sản phẩm, công nghệ của DN.

Leave A Comment...