Nghề làm Giám đốc tài chính

TTO – Trên “sàn đấu” WTO, yếu tố quyết định tính thắng bại của doanh nghiệp có phần là năng lực quản lý. Hiện tại, đa phần các doanh nghiệp VN chưa có bộ phận quản trị tài chính chuyên nghiệp, đứng đầu là giám đốc tài chính (Chief Financial Officer – CFO).

Vậy CFO khác với một kế toán trưởng như thế nào và việc thiếu chức danh này sẽ ảnh hưởng gì đến các doanh nghiệp VN?

Công việc của một CFO

Công việc của một CFO có thể gói gọn lại trong việc chịu trách nhiệm đưa ra ba quyết định chủ yếu: quyết định về chính sách đầu tư, quyết định về chính sách tài trợ và quyết định về chính sách phân phối. Tiêu chuẩn chung để làm căn cứ đưa ra ba quyết định này là làm sao để tối đa hóa giá trị tài sản của các cổ đông.

 

Để cho dễ hiểu, công việc cụ thể của một CFO có thể kể ra như sau: Phân tích và đưa ra các công cụ quản trị rủi ro tài chính; theo dõi và đánh giá các dữ liệu tài chính; chuẩn bị các báo cáo đặc biệt và đưa ra các dự báo cần thiết; hoạch định ngân sách vốn đầu tư; lập mô hình tài chính; phân tích và quản lý danh mục đầu tư; thiết lập và duy trì các quan hệ với ngân hàng và các cơ quan hữu quan.

Do đó việc nhầm lẫn giữa chức vụ CFO với kế toán trưởng đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Trước hết là thiếu hụt chuyên gia quản lý chuyên nghiệp nhằm thường xuyên đánh giá tình hình tài chính, đảm bảo “sức khỏe” tài chính cho doanh nghiệp. Kế đến là việc điều hành tài chính rất lúng túng, bỏ qua nhiều cơ hội đầu tư, đặc biệt là trước xu thế bùng nổ của thị trường tài chính, ngân hàng của VN trong giai đoạn hội nhập.

Tóm lại, hậu quả bao trùm tình trạng thiếu CFO trong doanh nghiệp là hiệu quả kinh doanh thấp, rủi ro cao do thiếu minh bạch và sự phát triển thiếu bền vững.

Điều kiện để trở thành một CFO

Để trở thành một CFO thì ngoài những kiến thức chuyên sâu về quản trị tài chính, kế toán, bạn cần có những hiểu biết rộng về các lĩnh vực khác, chẳng hạn như tài chính quốc tế, tín dụng, ngân hàng…Bạn cần phải là một nhà hoạch định chiến lược kinh doanh và bắt đầu suy nghĩ như là thành viên của hội đồng quản trị. Không những thế, bạn còn phải làm quen với các thuật ngữ chuyên môn cũng như quan tâm tới các mặt hoạt động của doanh nghiệp.

Đặc biệt, vì tính kỉ luật và tính tổ chức cộng với khả năng trình bày những thông tin tài chính một cách khoa học, trung thực, các kiểm toán viên độc lập (Certified Public Accountant – CPA) rất phù hợp để trở thành CFO.

Ứng viên CFO phải biết nhận biết và đưa ra các phương pháp giảm thiểu rủi ro.

Những điều kiện ngặt nghèo nêu trên đã khiến nhiều người từ bỏ ước mơ của mình và đó cũng chính là một trong những lí do vì sao mà chỉ có số ít người VN có khả năng trở thành một CFO. Nhưng nếu bạn quyết tâm và nỗ lực thì ước mơ có thể sẽ trở thành hiện thực.

Leave A Comment...