Rút lui khi người mạnh hơn ta

Trong chiến trận, khi đối phương mạnh hơn ta cả thế và lực, tốt nhất rút lui để bảo toàn lực lượng là hơn cả bởi lúc đó “chiến” đồng nghĩa với thất bại. Kinh doanh cũng vậy, sau khi thực thi các chiến lược “Người không có, ta có”. “Người có ta làm tốt hơn”, “Người tốt hơn, ta làm rẻ hơn” .. thương trường sẽ có lúc “Người vừa tốt hơn vừa rẻ hơn ta” ấy là lúc ta phải rút lui.

Rút lui chính là để bảo toàn lực lượng, để né một kẻ địch mạnh hơn, chờ cơ hội hoặc tìm cơ hội khác, bước vào cuộc cạnh tranh mới. Hiểu thương trường là chiến trường chính là theo cách đó.Trong kinh doanh, khi thị trường không thuận lợi mà cứ mù quáng lao vào ắt sẽ thất bại. Mục đích của kinh doanh là phải có được hiệu quả kinh tế cao. Nhưng trong quá trình kinh doanh, có thương vụ lợi nhuận lớn cũng có thương vụ hòa vốn, thậm chí lỗ. Nếu thua lỗ lớn hơn thì hiệu quả kinh tế không đạt được, lúc đó nên cân nhắc dùng mưu mẹo mà thoát ra là sáng suốt.

Cũng trong kinh doanh, sự thất bại nhiều khi không phải do cạnh tranh với đối thủ mạnh hơn mà do chọn sai mặt hàng kinh doanh, sai địa điểm kinh doanh, sai đối tượng phục vụ. Nếu bạn mở một cửa hàng đồ hiệu cao cấp tại khu công nghiệp nào đấy thì nắm chắc thất bại. Bởi vì sự lựa chọn ấy sai cả mặt hàng, địa điểm và đối tượng phục vụ. Trong trường hợp ấy cần nhanh chóng rút lui để chọn phương án kinh doanh khác. Ngược lại bất chấp rủi ro cứ lao vào đầu tư mở rộng, thất bại sẽ càng nặng nề.

Những khi thị trường biến động, buôn bán bất lợi cần có tư tưởng bảo tồn mình là chính, dùng mẹo rút lui, biến hiểm nguy thành bình an, như thế mới có thể bất khả chiến bại.

Năm 2008, thị trường có nhiều biến động, nửa đầu năm giá cả vụt lên đến đỉnh nhưng nửa cuối năm giá rớt thê thảm. Nếu những tháng đầu năm cứ ăn thua chạy theo thị trường ôm đầy hàng chờ giá cao thì cuối năm ôm hận phá sản. Nhiều đại gia ngành nhựa đã tung tất cả vốn liếng “ôm” nguyên liệu nhựa vì tính giá dầu sẽ còn lên cao nên giá nhựa sẽ còn tăng nữa. Ai dè sau 11/7 khi dầu ở đỉnh cao 147 USD/thùng thì giá rớt mạnh kéo theo đó là giá nguyên liệu nhựa. Có đại gia ôm nguyên liệu nhựa khi giá cao tới 2.000USD/ tấn về sau rớt xuống còn 700 USD/tấn, nên bán không kịp đành chấp nhận phá sản.

Ngược lại có doanh nghiệp khi thấy giá nguyên liệu hàng hóa tăng phi mã đã cơ cấu lại khách hàng, chỉ chọn những khách hàng lớn, thường thanh toán tiền hàng sòng phẳng đảm bảo cung cấp đủ hàng cho số khách này.

Còn 80% khách hàng nhỏ lẻ thường thanh toán chậm được giảm bớt cho các đối thủ cạnh tranh. Kết thúc năm 2008, doanh nghiệp hài lòng với kết quả kinh doanh, lãi ít và bảo toàn vốn. Trong khi đó những đối thủ cạnh tranh nghĩ là mình có thêm nhiều khách hàng nhưng nợ xấu tăng, lợi nhuận không có, vốn bị chiếm dụng. Mấy năm trước, Xí nghiệp Thép Thành Đô đang ăn nên làm ra thì thị trường có biến động. Loại ống thép đường kính dưới 140mm khó bán. Nếu cứ sản xuất sản phẩm sẽ ứ đọng, nếu đóng cửa thì giải quyết lao động thế nào? Xí nghiệp đã tìm cách ngưng làm ống thép dưới 140mm mà chuyển sang loại ống thép vách mỏng đường kính 159 mm đang có thị trường và chuyển hướng làm 152 loại sản phẩm thép khác. Nhờ đó Xí nghiệp Thép Thành Đô tiếp tục phát triển.

Trong kinh doanh, thoái lui là một hành vi khôn ngoan, sáng suốt. Tránh kẻ địch mạnh, rút lui chuyển hướng hay chờ thời, dùng thoái để tiến đó là chiến thuật hết súc quan trọng nhằm bảo đảm cho thành công lâu dài.

Ở nước ta vào thập kỷ 90 thế kỷ trước, ngành công nghiệp xe đạp sa sút một phần do ít chịu cải tiến mẫu mã, một phần do xe đạp Trung Quốc đẹp hơn, rẻ hơn tràn vào. Xí nghiệp Xe đạp Xuân Hòa cũng ở trong tình trạng sống dở chết dở. Giám đốc Trần Xuân Lập lúc đó đã chuyển đổi hướng sản xuất xe đạp sang sản xuất đồ nội thất. Các thiết bị dập ống, xi mạ trước kia làm ống tuýp xe đạp nay sang làm chân bàn, ghế. Bàn ghế Xuân Hòa ra đời trong lúc thị trường đồ nội thất văn phòng đang có nhu cầu cao nên nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và kinh doanh tốt, lợi nhuận cao, thu nhập công nhân được cải thiện. Giờ đây, nói đến Xuân Hòa người tiêu dùng nghĩ ngay đến bàn ghế chất lượng cao chứ không ai nghĩ đến xe đạp. Rõ ràng việc thoái lui khỏi thị trường xe đạp của Xuân Hòa là sự rút lui chủ động, tránh được sức cạnh tranh từ xe đạp Trung Quốc để nhảy vào một thị trường còn rất rộng lớn mà chưa ai làm.

Sự thoái lui có thể áp dụng với việc di chuyển địa điểm kinh doanh, nếu ở đó gặp đối thủ mạnh. Giống như bia Wanshen Trung Quốc khi ra đời phải lánh xa Bắc Kinh, nơi rất nhiều hãng bia khác đã chia nhau thị phần, rút về Hà Nam và phát triển mạnh ở 8 tỉnh ngoài Bắc Kinh, khi mạnh lại công thành Bắc Kinh. Sự thoái lui có thể về mặt hàng, nếu mặt hàng đó bị đối thủ mạnh hơn khống chế thì phải nhanh chóng chuyển hướng như kinh nghiệm từ Xí nghiệp Xuân Hòa, hay thép Thành Đô.

Nguồn: Tạp chí Thương Trường

Leave A Comment...