Trung Quốc có thể vượt Mỹ trong 3 năm nữa

Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Trung Quốc đang tiến tới thập kỷ tăng trưởng nhanh thứ tư và sẽ vượt Mỹ thành nền kinh tế số một thế giới năm 2016.

Dù tăng trưởng chậm nhất 13 năm trong 2012 với 7,8%, kinh tế Trung Quốc vẫn được dự báo bật lại 8,5% năm nay và 8,9% năm tới, OECD cho biết. GDP bình quân cũng tăng 8% mỗi năm trong suốt thập kỷ nếu Bắc Kinh có thể cải tổ kinh tế, tài chính và điều tiết. Báo cáo nhận định: “Triển vọng bắt kịp Mỹ của Trung Quốc là rất lớn. Họ có nền tảng để tăng trưởng bền vững và luôn được coi là ngôi sao châu Á”.

OECD nhận định tăng trưởng sẽ chậm dần khi Trung Quốc thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển. Tuy nhiên, tốc độ sẽ vẫn cao hơn mục tiêu 7% Bắc Kinh đặt ra từ nay cho đến 2015.

trung quoc co the vuot my trong 3 nam nua

Trung Quốc sẽ là nền kinh tế số một thế giới năm 2016. Ảnh: Bloomberg

Một số rủi ro với Trung Quốc là kinh tế toàn cầu yếu, lạm phát tăng cao, hệ thống tài chính lỏng lẻo, cấu trúc dân số già và tỷ lệ giới tính chênh lệch. Tuy nhiên, OCED cũng cho biết Trung Quốc đã có bước tiến dài khi giảm phụ thuộc vào bên ngoài, cân bằng nhu cầu nội địa, khi tiêu dùng trong nước tăng nhanh hơn đầu tư năm 2011.

Cơ quan này cũng cho rằng trong quá trình đô thị hóa, Trung Quốc cần chú trọng xây dựng các thành phố lớn và hiệu quả hơn. Vì tốc độ đô thị hóa 52,6% ở đây vẫn thấp hơn các nước có cùng mức độ phát triển.

Vấn đề giao thông cũng trở nên trầm trọng khi thời gian di chuyển đi làm hàng ngày tại Bắc Kinh lên tới 79 phút, gấp đôi các nước OECD. Dù họ tuyên bố có tuyến tàu điện ngầm thuộc hàng nhanh nhất nước. Tân Thủ tướng Trung Quốc – Lý Khắc Cường cũng cho biết sẽ tập trung giải quyết vấn đề này.

Ngoài cơ sở hạ tầng, OECD nhấn mạnh Bắc Kinh nên giúp dân di cư tiếp cận dịch vụ giáo dục tốt hơn, đồng thời cải cách tài khóa mạnh hơn để đảm bảo Chính phủ có thể đầu tư nhiều cho các dịch vụ xã hội.

Hệ thống đất đai cũng là vấn đề cần cải tổ. Báo cáo cho biết: “Hoạt động đô thị hóa đang bị cản trở vì sự quản lý quá trình chuyển đổi đất nông nghiệp thành xây dựng. Nếu không làm tốt, việc này có thể đe dọa đến an ninh lương thực”.

Thùy Linh (theo FT)

Leave A Comment...